Long An: Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với thu hút đầu tư

Long An đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH và có nhiều chuyển biến tích cực. Các tuyến đường giao thông khang trang, hiện đại, hình thành kết nối đồng bộ, thay đổi diện mạo của địa phương.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông

Có thể nói, Long An được ưu ái khi sở hữu vị trí trọng điểm là cửa ngõ giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, liên kết cảng biển và biên giới giao thương với Vương quốc Campuchia. Để tận dụng tốt những sở hữu đắc địa về vị trí địa lý, trong những nhiệm kỳ qua, với tầm nhìn xa, trông rộng, các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn xác định tầm quan trọng hết sức to lớn của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đến sự phát triển KT - XH của tỉnh. Liên tục các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Long An đã chọn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là chương trình đột phá; xây dựng các công trình giao thông huyết mạch kết nối vùng, miền, hướng tới tương lai là các công trình trọng điểm.

Theo đó, nhiều tuyến đường đã được đầu tư với nguồn lớn tập trung xây dựng hoàn thiện như Đường tỉnh (ĐT) 823, ĐT824, ĐT825, ĐT826, ĐT826B,... tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Các tuyến đường này hầu hết kết nối các khu, cụm công nghiệp (K,CCN), các đô thị mới hình thành trên địa bàn tỉnh với TP.HCM. Đáng chú ý, tuyến ĐT830 kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, kết nối các K,CCN đến hệ thống cảng biển và kết nối với TP.HCM đã cơ bản hoàn chỉnh đi vào hoạt động.

Giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn - Trịnh Văn Hải cho biết: Thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Long An rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, các tuyến đường mới đều kết nối với nhau, tạo nên một chuỗi kết nối liên hoàn, thông suốt từ các K,CCN đến cảng biển. Điều này đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn đi và đến TP.HCM và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Song song thi công đường giao thông trên trục ĐT830, nhiều công trình cầu cũng được thực hiện như cầu Rạch Dừa với mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Găng, Rạch Vông,...

>>> Tìm hiểu thêm:

Kết nối liên hoàn

Bến Lức là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư tại các K,CCN. Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường mới được đầu tư, góp phần lớn trong thu hút đầu tư, phát triển KT - XH. Trong mỗi công trình được đầu tư mới, lãnh đạo huyện, các đơn vị chuyên môn đều phối hợp các sở, ngành tỉnh rà soát, đưa ra vị trí kết nối đặc biệt quan trọng cần được xem xét ưu tiên đầu tư.

Hiện nay, Bến Lức quyết tâm với tỉnh thực hiện tuyến đường Hựu Thạnh - Tân Bửu có chiều dài trên 11km, chiều rộng 102m. Khi hoàn thành, tuyến đường này kết nối giao thông giữa đường Vành đai 4 (ĐT830) với đường Vành đai (TP.HCM). Cùng với tuyến đường này, các trục đường khác cũng hình thành kết nối từ huyện Đức Hòa đến hết ranh CCN Hải Sơn - Lương Bình, ranh Khu dân cư Mai Bá Hương, đường Lương Hòa - Bình Chánh, ranh KCN Tandoland, ranh mở rộng KCN Phú An Thạnh, đến nút giao đường Vành đai 3 TP.HCM. Hiện tại, các thủ tục đầu tư các K,CCN, khu dân cư đang được thực hiện. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ phục vụ phát triển vận chuyển hàng hóa, các khu thương mại, dịch vụ trong quy hoạch Bến Lức.

Chuẩn bị đầu tư mới nhiều công trình

Trong tháng 12/2021, Sở Giao thông Vận tải sẽ khởi công tuyến ĐT823D có chiều dài 14,2km, đây là trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM. Dự án có điểm đầu là ranh TP.HCM - Long An (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), điểm cuối là nút giao Quốc lộ N2 (vòng xoay Hậu Nghĩa) với tổng mức đầu tư hơn 1.490 tỉ đồng. Tuyến đường mới này sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối vùng giữa đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 quy hoạch của TP.HCM và kết nối vào đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đang được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư.

Bên cạnh đó, đầu năm 2022, tỉnh sẽ tiến hành khởi công hàng loạt dự án bao gồm ĐT826E (đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc) dài 1,6km và tuyến đường kết nối dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E dài 2km. Cả hai đoạn trên có tổng mức đầu tư hơn 550 tỉ đồng. Đây là tuyến đường mới hoàn toàn, tuyến đường sẽ kết nối với tuyến Tân Lập - Long Hậu.

Tỉnh cũng dự kiến sẽ khởi công một tuyến đường mới nằm trong khu quy hoạch Bắc Bến Lức là đường Lương Hòa - Bình Chánh (giáp ranh Bến Lức - TP.HCM) dài 6,2km. Dự án có điểm đầu là bờ sông Vàm Cỏ Đông, điểm cuối giáp ranh TP.HCM, có tổng mức đầu tư hơn 2.270 tỉ đồng. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ phục vụ phát triển vận chuyển hàng hóa, các khu thương mại, dịch vụ trong quy hoạch Bến Lức; đồng thời, kết nối với đường Mai Bá Hương (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Dự án đang làm thủ tục, tiến hành các bước đầu tư.

Tỉnh đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH

Tiếp đến là dự án ĐT827E có điểm đầu là vòng xoay ngã năm Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) và điểm cuối là sông Vàm Cỏ Đông, chiều dài gần 16km. Dự án có tổng mức đầu tư 2.153 tỉ đồng. Dự án này sẽ kết nối đường Tây Nam TP.HCM từ đường Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh đến Cần Giuộc. Dự án ĐT827E được hoàn thiện góp phần phát triển công nghiệp tỉnh, kết nối Trung Lương (Tiền Giang), chia sẻ áp lực giao thông cho Quốc lộ 1, Quốc lộ 50.

Muốn phát triển bền vững đòi hỏi phải có một hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ và hợp lý. Trong khi đó, hệ thống giao thông của tỉnh dù được đầu tư mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Với quyết tâm thu hút đầu tư tốt hơn nữa, tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối với TP.HCM và các tỉnh bạn, Long An sẽ đầu tư hàng loạt dự án giao thông mới. Tất cả các tuyến đường này sẽ kết nối liên hoàn giữa các huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải ngày càng cao, thúc đẩy phát triển giao thương, đi lại thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Qua đó, Long An sẽ hiện thực hóa khát vọng trở thành địa phương năng động, hấp dẫn với các nhà đầu tư, là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Nguồn: baolongan.vn

>>> Bài viết liên quan: